Ngày nay, máy lạnh dường như đã trở thành người bạn đồng hành của mọi gia đình Việt, nhất là vào những ngày thời tiết nắng nóng cao điểm. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về cấu tạo cũng như nguyên lý hoạt động của máy lạnh. Hãy cùng Haier Việt Nam tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé.
1. Tổng quan về máy lạnh
Máy lạnh hay điều hòa là một thiết bị gia dụng, được dùng để điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và tăng chất lượng không khí trong không gian sử dụng dựa theo nhu cầu của người dùng. Bên cạnh đó, ngoài chức năng làm mát thì máy lạnh còn được tích hợp thêm nhiều tính năng hiện đại khác như lọc không khí, diệt khuẩn, khử mùi,… giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hiện nay trên thị trường, máy lạnh thường được chia thành hai loại phổ biến là máy lạnh một chiều và máy lạnh hai chiều. Cụ thể:
- Máy lạnh một chiều: Đây là loại máy chỉ có chức năng làm mát, thích hợp sử dụng trong các khu vực có khí hậu nóng quanh năm như miền Nam Việt Nam. Máy lạnh một chiều thường có giá thành rẻ hơn so với máy lạnh hai chiều, tiêu thụ điện năng thấp hơn và có nhiều mẫu mã đa dạng để người dùng lựa chọn. Các dòng máy lạnh một chiều hiện nay còn được tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến như inverter giúp tiết kiệm điện, cảm biến nhiệt độ thông minh và hệ thống lọc không khí hiện đại.
- Máy lạnh hai chiều: Loại máy này vừa có chức năng làm mát vào mùa hè vừa có thể sưởi ấm vào mùa đông, phù hợp với những khu vực có khí hậu lạnh theo mùa như miền Bắc. Máy lạnh hai chiều giúp người dùng tiết kiệm chi phí so với việc phải mua thêm một thiết bị sưởi riêng biệt. Ngoài ra, nhiều dòng máy lạnh hai chiều cao cấp còn được trang bị công nghệ khử khuẩn, lọc bụi mịn và điều khiển từ xa qua ứng dụng di động, mang đến sự tiện lợi và bảo vệ sức khỏe người dùng tốt hơn.
2. Cấu tạo của máy lạnh
Trước khi tìm hiểu đến nguyên lý hoạt động của máy lạnh, hãy cùng khám phá cấu tạo chi tiết của máy lạnh nhé. Thông thường, máy lạnh được cấu tạo bởi hai bộ phận chính là dàn nóng và dàn lạnh, cùng với các linh kiện quan trọng khác như máy nén, gas lạnh, quạt gió, bộ điều khiển, hệ thống ống dẫn gas,…
- Dàn lạnh: Gồm các ống đồng được uốn thành nhiều lớp và được đặt trong một dàn lá nhôm rất dày có tác dụng hấp thụ nhiệt trong phòng để chuyển ra dàn nóng. Trong quá trình đó, môi chất lạnh cũng sẽ hấp thụ nhiệt ở môi trường xung quanh dàn lạnh, giúp hạ nhiệt độ phòng hiệu quả.
- Quạt dàn lạnh: Giúp tạo ra luồng không khí lưu thông liên tục qua dàn lạnh, giúp thúc đẩy quá trình hấp thụ nhiệt tốt hơn.
- Dàn nóng: Là nơi gas lạnh ở trạng thái khí nóng được làm mát và ngưng tụ thành lỏng. Quá trình này giúp giải phóng nhiệt ra ngoài không khí. Dàn nóng thường được đặt ngoài trời và có quạt giúp tản nhiệt tốt hơn.
- Máy nén: Có nhiệm vụ hút chân không tại dàn lạnh, nén khí gas và vận chuyển nó qua hệ thống làm lạnh. Đây được xem là bộ phận có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất của máy lạnh và tiêu hao nhiều điện năng nhất.
- Van tiết lưu: Nhiệm vụ của van tiết lưu là điều chỉnh lưu lượng và áp suất của gas khi chuyển từ dàn nóng sang dàn lạnh. Quá trình giãn nở làm giảm nhiệt độ gas và chuẩn bị cho giai đoạn làm lạnh tiếp theo.
- Quạt: Máy lạnh sử dụng cả quạt dàn nóng và quạt dàn lạnh để tăng cường quá trình trao đổi nhiệt. Quạt dàn nóng có chức năng thổi không khí qua dàn nóng, giúp làm mát gas và xả nhiệt ra môi trường bên ngoài. Trong khi đó, quạt dàn lạnh lại có nhiệm vụ là liên tục tạo ra luồng khí để tối ưu hóa việc hấp thụ nhiệt, giúp thổi khí lạnh vào phòng.
- Ống dẫn gas: Có chức năng dẫn gas từ dàn lạnh đến dàn nóng và thường được làm bằng đồng để đảm bảo chịu được áp suất, nhiệt độ cao và không bị oxi hóa.
- Bảng điều khiển: Là nơi điều hành và kiểm soát toàn bộ hoạt động của hệ thống máy lạnh.
Các bộ phận khác: Bên cạnh các bộ phận chính, hệ thống máy lạnh còn có nhiều bộ phận khác cấu thành như khung vỏ, cảm biến nhiệt độ dàn lạnh, máng nước,…
3. Nguyên lý hoạt động của máy lạnh
Nguyên lý hoạt động của máy lạnh là hoạt động theo vòng lặp, theo từng bước cụ thể như dưới đây:
- Bước 1: Khi bật máy lạnh và cài đặt mức nhiệt độ, bộ phận cảm biến sẽ tiếp nhận thông tin và báo cho bộ vi xử lý.
- Bước 2: Mạch trong dàn lạnh sẽ lệnh cho quạt dàn lạnh quay, đồng thời gửi tín hiệu cho block và quạt ở dàn nóng hoạt động.
- Bước 3: Khi có block chạy, môi chất lạnh ở dạng lỏng (có áp suất cao) sẽ đi qua van tiết lưu và chuyển thành dạng khí (có áp suất thấp), bay hơi và tạo thành khí lạnh.
- Bước 4: Ở dàn lạnh, quạt gió thổi khí lạnh xung quanh ống đồng vào phòng, làm cho nhiệt độ trong phòng thấp hơn.
- Bước 5: Khí lạnh được hút về máy nén, nén gas từ áp suất thấp thành áp suất cao.
- Bước 6: Gas áp suất cao chạy qua dàn nóng được làm mát nhờ quạt và lá nhôm tản nhiệt, sau đó được đưa qua van tiết lưu một lần nữa. Chu trình này được lặp đi lặp lại cho đến khi máy lạnh tắt.
Trên đây là thông tin về cấu tạo và nguyên lý hoạt động của máy lạnh mà chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn. Nếu còn gì băn khoăn, thắc mắc, vui lòng liên hệ ngay đến chúng tôi qua hotline 084 883 9595 để được tư vấn miễn phí.